Tu Duy Xin Viec

Khi Bạn Đi “Tìm Việc” – Hãy Bỏ Ngay Tư Duy “Xin Việc”

Khi Bạn Đi “Tìm Việc” – Hãy Bỏ Ngay Tư Duy “Xin Việc”

“Ra trường ráng xin vào chỗ nào làm tốt tốt nha con!”

“Viết đơn xin việc như thế này được chưa ạ?”

“99 bí kíp phòng vấn xin việc thành công”

Tu Duy Xin Viec

Chắc hẳn những ai từng trải qua quá trình tìm việc đều rất quen thuộc với những câu nói trên. Nếu là vài năm trước, tôi sẽ thấy chúng chẳng có vấn đề gì phải bàn. Nhưng hiện tại tôi lại thấy hơi kỳ lạ ở chỗ, tại sao chúng ta lại dùng từ “xin việc” khi đi tìm việc làm? Bạn đang trao đổi sức lao động với nhà tuyển dụng trong một mối quan hệ “hai bên cùng có lợi” thì tại sao lại phải “xin”

Trong “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê làm chủ biên, từ “xin” trong ngữ cảnh mà tôi đề cập ở bài viết này mang nghĩa “ngỏ ý với người nào đó, mong người ấy cho mình cái gì hoặc đồng ý cho mình làm điều gì”.

Như vậy, ta dùng từ “xin” trong một tâm thế thấp hơn, yếu hơn đối phương và có được thứ mình muốn mà không phải đổi lấy cái gì từ mình. Nên ta thường hay nói “có một người đang xin ăn đằng kia”, “đứa con đang vòi vĩnh xin tiền mẹ”.

Nhưng trong trường hợp bạn đi kiếm việc làm, về bản chất, bạn đang trao đổi sức lao động, năng lực, thời gian của mình với nhà tuyển dụng để lấy thứ mình muốn (tiền bạc, cơ hội phát triển). Ngược lại, nhà tuyển dụng sẽ xem xét khả năng của bạn có đáp ứng yêu cầu mà họ đang cần hay không. Hai bên cùng trao đổi và cuối cùng được thỏa thuận sao cho “đôi bên cùng có lợi”.

Như vậy, bạn không phải đang “xin việc” mà là “tìm việc”, “kiếm việc”. Nếu sử dụng từ không đúng thì sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm thế khi đi tìm việc của bạn. Tôi đồng tình với quan điểm” ngôn ngữ tác động đến tâm trí, sự trải nghiệm, tư duy và cách chúng ta nhìn nhận sự việc, sự vật.

Tu Duy Xin Viec1

Khi bạn luôn nghĩ trong đầu mình đi “xin việc”, dùng từ “xin việc” để nói và viết thì vô hình chung bạn đang tự tạo cho mình ở vị thế hơn, phải khép nép. Bạn mang tâm thế yếu hơn đi phỏng vấn thì nó sẽ biểu hiện ra bên ngoài cử chỉ, nét mặt, điệu bộ và lời nói của bạn. Tay chân run run, nói năng lắp bắp, lí nhí hoặc lúc được hỏi về mức lương mong muốn thì lại không dám nêu nguyện vọng, để rồi khi nhận mức thấp hơn năng lực thì than vãn và dễ nhảy việc.

Bạn thay đổi cách nghĩ, xem hành trình tìm việc, phỏng vấn là cơ hội để bạn trao đổi giá trị của bản thân với bên sử dụng lao động, tự tin đàm phán với họ mức lương tương xứng. Bạn có thể khiêm tốn nhưng không được yếu thế, tự tin nhưng không tự cao, nói năng mạch lạc, diễn đạt ý muốn nói một cách rõ ràng. Đó là lối tư duy “tìm việc” không phải đi “xin việc”.

Và ở vị thế này, bạn nên phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng. Tại sao cứ phải là nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng viên? Bạn cũng có thể phỏng vấn ngược lại để tìm hiểu thêm về văn hóa, môi trường làm việc và định hướng phát triển của công ty. Tất nhiên, phỏng vấn chỉ hé lộ một phần nhỏ trong tổng thế bức tranh lớn. Đôi khi chỉ cần phần nhỏ ấy đủ để bạn phán đoán xem mình có phù hợp với công ty này hay không. Như thế sẽ tránh được tình trạng vào làm rồi mới biết không hợp rồi nhảy việc, làm mất thời gian của cả hai bên.

Tu Duy Xin Viec2

Vì vậy, khi nhà tuyển dụng hỏi “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?” thì bạn nên tận dụng để phỏng vấn họ. Và để biết mình cần hỏi những gì, bạn hãy xác định rằng mình mong muốn điều gì ở công ty, mục tiêu dài hạn của bản thân để xem có khớp với định hướng phát triển của công ty không.

Tôi tóm tắt cả bài chia sẻ trong 3 ý ngắn ngọn như sau:
– Thay từ “xin việc” bằng “tìm việc” cả trong suy nghĩ và lời nói.
– Cố gắng phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng càng nhiều càng tốt.
– Và cốt lõi là hiểu được giá trị của mình trước thì mới tự tin đi “tìm việc” 🙂